Trang chủ / TIN TỨC / TIN TỔNG HỢP / Những thách thức trong việc sử dụng vật liệu xây dựng mới

Những thách thức trong việc sử dụng vật liệu xây dựng mới

(Xây dựng) – Vật liệu xây dựng (VLXD) mới so với VLXD truyền thống mang lại hiệu quả cao hơn cho ngôi nhà, bảo vệ sức khỏe vầ nâng cao chất lượng sống tốt hơn cho người sử dụng. Trong quá trình sản xuất sẽ giảm thiểu sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên khoáng sản; chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.
Ưu thế vượt trội của VLXD mới
Những năm gần đây, sản xuất vật liệu xây dựng của Việt Nam đã đảm bảo nhu cầu thị trưởng. Sản lượng, chất lượng các sản phẩm VLXD không ngừng được nâng cao; nhiều công nghệ mới, tiên tiến, thiết bị hiện đại ngang tầm với thế giới và khu vực được đầu tư. Nhiều chủng loại vật liệu xây dựng mới (VLXDM) đã được sản xuất. Nhà nước cũng đã có những chính sách mạnh mẽ để khuyến khích sản xuất và sử dụng VLXDM. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng để sản xuất đủ và tiêu thụ hết sản phẩm VLXD truyền thống, bản thân cơ chế thị trường có thể hoàn toàn tự điều tiết. Nhưng để sản xuất sạch, sử dụng VLXDM, hay còn gọi là VLXD thân thiện, thay thế sản phẩm truyền thống thì thị trường không thể tự điều tiết, nếu không có những giải pháp phù hợp và sự vào cuộc của cả xã hội

Nhóm VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường (VLXDM) có các tiêu chí sau mà VLXD cũ không có: Mang lại hiệu quả cao hơn cho ngôi nhà, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng sống tốt hơn cho người sử dụng; Trong quá trình sản xuất giảm thiểu sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên khoáng sản; giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường; tham gia tích cực vào việc xử lý chất thải của ngành sản xuất khác.

Nhà nước đã có chủ trương và đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển VLXDM: Luật Xây dựng ban hành năm 2014 quy định rõ yêu cầu sử dụng VLXD: an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, thân thiện môi trường.

Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020, cũng đề ra mục tiêu là “Phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20-25% vào năm 2015, 30 – 40% vào năm 2020”. Thực tế, tới năm 2015 cả nước đã đầu tư trên 2 ngàn dây chuyền sản xuất gạch block bê tông (gạch xi măng cốt liệu), trong đó gần 150 dây chuyền khoảng trên 10 triệu viên/năm và 13 dây chuyền gạch bê tông khí chưng áp. Chỉ tính 3 loại VLXKN cơ bản là block bê tông, AAC và bê tông bọt, cả nước đa có tổng công suất là 6,5 tỷ viên QTC. Nếu công suất đó phát huy hết hiệu quả, thì lượng tiêu thụ đã gần đạt chỉ tiêu của năm 2020.

Tỷ lệ gạch nhẹ chỉ mới khoảng 8-9% trên tổng số VLXKN, mà mục tiêu đề ra là trên 20%. Đây là chỉ tiêu quan trọng trong Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng là tiêu chí quan trọng, nhằm khuyến khích tạo ra công trình xanh. Ngoài tính năng vượt trội khác như nhẹ, dễ xây, tạo tính công nghiệp hóa cao trong sản xuất và sử dụng…VLXKN loại nhẹ có độ cách âm lớn, độ truyền nhiệt rất thấp. Đặc biệt độ truyền nhiệt thấp của gạch bê tông khí chưng áp giúp tòa nhà có thể tiết kiệm tới 40% năng lượng để sưởi nóng vào mùa đông và làm mát vào mùa hè.

Theo số liệu của Vụ VLXD Bộ Xây dựng, năm 2017 tỷ lệ sử dụng VLXKN trung bình cả nước đạt trên 27%; 9 tháng đầu năm 2018 tỷ lệ này đạt trên 30%. Tuy nhiên vẫn tồn tại một thực trạng là tỷ lệ sử dụng VLXKN loại nhẹ vẫn còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Một tồn tại nữa là còn nhiều tỉnh chưa thực sự quan tâm đến VLXKN. Thứ nhất là thói quen, thay thế cái cũ bằng cái mới thì bao giờ cũng khó khăn. Ví dụ khi sử dụng kính tiết kiệm năng lượng, kết cấu của khung nhôm phải khác thì hệ cửa sổ, hệ vách mới đảm bảo hiệu quả cản nhiệt, đòi hỏi chi phí phải tăng lên…; Thứ hai là lợi ích, lợi ích của việc sản xuất, sử dụng vật liệu cũ sẽ bị động chạm khi bị vật liệu mới thay thế; Thứ ba, tính tùy tiện vẫn còn trong thiết kế và thi công công trình. Các vết nứt, khuyết tật tại những mảng tường khi sử dụng VLXKN trong thời gian vừa qua cho thấy người thi công đã không thực hiện đúng kỹ thuật trong sử dụng VLXKN; Nhiều công trình thiết kế sử dụng gạch bê tông khí chưng áp, nhưng người thiết kế không chỉ rõ cần phải gia cường những điểm xung yếu, hoặc sử dụng lưới sợi tại những điểm cần thiết, trong khi kỹ thuật thi công cũng chưa có am hiểu thấu đáo về loại vật liệu này. Tại công trường sử dụng gạch bê tông khí chưng áp (AAC), người thợ xây vẫn sử dụng các dụng cụ như xây gạch đất sét nung hay gạch xi măng cốt liệu… Sự thờ ơ đối với mục tiêu chung; mục tiêu tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường không mang lại lợi ích ngay cho cá nhân hoặc tổ chức cụ thể, trong đó có các chủ thể xây dựng.

Ngoài những thách thức trên, một số vướng mắc cũng làm chậm tiến trình sử dụng VLXDM: Còn thiếu một số hướng dẫn trong cơ chế chính sách ví dụ như: Vay vốn ưu đãi đầu tư; Các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật cần thiết vẫn chưa được ban hành, hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời.

Thêm vào đó việc phát triển công trình xanh của nước ta ít được quan tâm. Nhiều công trình xanh đã thu hút được khách hàng, cho chủ đầu tư giá bán tốt hơn nhiều những dự án thông thường cùng vị trí. Tuy nhiên phát triển công trình xanh vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Vướng mắc do thiếu đôn đốc trong quản lý: Chưa khen thưởng kịp thời những địa phương, tổ chức cá nhân thực hiện tốt; chưa có sự phê bình, nhắc nhở đối với những địa phương chậm trễ trong việc thực hiện chính sách phát triển VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Công tác thanh tra kiểm tra, xử phạt chưa phát huy tác dụng.

Cần tăng cường giải pháp tăng cường sử dụng VLXDM

Từ thực tế trên, cần bổ sung các hướng dẫn cần thiết về hỗ trợ và ưu đãi đầu tư VLXDM mà Nghị định 24a đã quy định; có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nhà ở chuyển hướng sang đầu tư công trình xanh; chế tài xử lý hành chính đối với các chủ thể xây dựng không thực hiện quy định sử dụng VLXDM;

Về giải pháp về khung kỹ thuật, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng VLXD thân thiên. Đặc biệt đối với công trình “xanh” cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể. Phải có chương trình giảng dạy tại các trường chuyên ngành Xây dựng về thiết kế, thi công sử dụng vật liệu xây dựng mới; cần có sự cập nhật, cải tiến trong biên soạn giáo trình. Khuyến khích, hỗ trợ các trường, các trung tâm dạy nghề mở các khóa đào tạo ngắn hạn kỹ thuật cho công nhân sử dụng VLXDM. Cần bổ sung chính sách để khuyến khích sử dụng công nghệ thi công tiên tiến, nhằm tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động trong sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện.

Để khắc phục được các vướng mắc như đã nêu ở trên thì công tác tuyên truyền cần làm thường xuyên, mạnh mẽ và bài bản. Trong đó việc tuyên truyền, công bố rộng rãi những hiệu quả thực tế của công trình sử dụng VLXDM cần được quan tâm hơn.

Để sản xuất sạch, sử dụng VLXDM, hay còn gọi là VLXD thân thiện, thay thế sản phẩm truyền thống thì thị trường không thể tự điều tiết, cần có những giải pháp phù hợp và sự vào cuộc của cả xã hội.

T.S Lê Văn Tới
(Nguyên Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng); Phó Chủ tịch hiệp hội VLXD Việt Nam)

Giới thiệu admin

Check Also

Ai kiểm soát chất lượng gạch không nung trên thị trường?

(Xây dựng) – Như đã đề cập ở bài viết trước, phát triển vật liệu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *